Bài viết liên quan

Tuyệt tác kiến trúc ... Những công trình kiến trúc hiện đại và đồ sộ nằm trơ trọ...
Những kiến trúc thế ... 10 tòa nhà hàng đầu tại Scotland  trong 100 năm qua đã được ...
Parkson Paragon đóng... Lo ngại bội thực mặt bằng bán lẻ tại TP HCM tăng thêm trong ...
Các cao ốc không một... Hàng trăm tòa nhà đã hoàn thiện với thiết kế hiện đại nhưng ...

Sài Gòn sẽ nóng hơn với cao ốc Ba Son, Tân Cảng

TSKH-Kiến Trúc Sư. Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong thì các khu đất phía trong Sài Gòn sẽ ngày càng nóng hơn, không có gió, không thông thoáng, bị chắn tầm nhìn…”
Nhận định trên được TSKH-Kiến Trúc Sư. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM – Biện pháp tối ưu & góc nhìn của chuyên gia: làm sao bảo tồn và phát triển để đôi bên cùng có lợi”, do Tổng lãnh sự Pháp và Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ quản lý phát triển đô thị TP.HCM, diễn ra cuối tháng 4.2016.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tấn Phúc

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tấn Phúc

Các nước không xây nhà cao tầng ven sông

Theo KTS. Nam Sơn, năm 2007 công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu vực trung tâm TP.HCM và có một số đề xuất được UBND TP.HCM chấp thuận. Trong đó có đề xuất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (ở vị trí sát phía trên khu đất đối diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bên kia đường – NV) chỉ nên cho phép xây hai, ba nhà cao tầng, phần còn lại dùng nối dài mảng xanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến bờ sông Sài Gòn, bảo tồn khu vực ụ tàu Ba Son.

“Đây là một đề xuất rất tốt và thành phố đã chấp thuận nhưng không hiểu vì sao gần đây thành phố đổi ngược, xóa bỏ chuyện đó, chấp nhận cho xây công trình cao tầng ở đây”, ông Sơn nói.

Các công trình xây dựng càng gần bờ sông Sài Gòn thì càng cao lên, khiến khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo
Các công trình xây dựng càng gần bờ sông Sài Gòn thì càng cao lên, khiến khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tham gia nhiều dự án lớn về quy hoạch đô thị ở Mỹ, Canada, Nhật, Singapore và một số nước Á châu khác,… KTS. Nam Sơn cho biết, xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông.

“Ở trung tâm TP.HCM chúng ta thấy ngược lại, công trình càng về gần bờ sông thì càng cao lên. Ba Son nếu giữ được và cải tạo cho phát triển đúng giá trị thì chúng ta sẽ có những không gian công cộng rất thu hút người dân”, ông Sơn nhận xét.

Cũng theo KTS. Nam Sơn, nếu không có sự xâm phạm như đang diễn ra, giá trị khu trung tâm TP.HCM sẽ tốt hơn. Với phương án Ba Son đã được phê duyệt quy hoạch, nhà đầu tư nếu xây dựng những dãy nhà cao tầng như phối cảnh họ công bố, thì chắc chắn sẽ chắn tầm nhìn của khu trung tâm ra hướng sông, chắn hết gió từ phía sông thổi vào. Khi đó, khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn.

Quy hoạch hiện hữu đang làm cho giá trị của Thủ Thiêm không bằng giá trị ba khu đất Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn. Ảnh: TL
Quy hoạch hiện hữu đang làm cho giá trị của Thủ Thiêm không bằng giá trị ba khu đất Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn. Ảnh: TL

Tư duy quy hoạch bờ Tây – bờ Đông không thống nhất

Lý giải những hạn chế trong quy hoạch phát triển đô thị Sài Gòn, KTS. Nam Sơn cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngay từ đầu TP.HCM đã không xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử, khu vực di sản cần bảo tồn… như các nước đã thực hiện.

“Nếu có việc xác định đó thì trong khu trung tâm lịch sử, việc phát triển nhà cao tầng, đặc biệt kế hoạch tàn phá nhà cổ để xây dựng, hoàn toàn phải ngăn cấm. Đối với những khu vực lân cận khu trung tâm, cho phát triển nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng nhẹ nhàng hơn vì ít dính dáng đến các công trình di sản.

Đơn cử ở Sài Gòn, những nhà đầu tư nếu muốn phát triển nhà cao tầng có thể thực hiện bên phía Thủ Thiêm. Khu trung tâm hiện hữu ở bờ Tây không nên cho xây nhà cao tầng mà tập trung việc đó cho khu bờ Đông. Khi đó sẽ có khu trung tâm lịch sử và khu trung tâm mới. Các bản sắc của khu trung tâm từ đó dần dần hình thành”, ông Sơn nói. Một bất cập khác trong quy hoạch của đô thị Sài Gòn, theo KTS. Nam Sơn, là quy hoạch bờ Tây và bờ Đông không cùng lúc, không cùng đơn vị thực hiện và có tư duy quy hoạch khác nhau, thiếu phối hợp và thỏa thuận về chiến lược thực hiện sao cho đôi bờ cùng hưởng lợi ích.

So sánh hai quy hoạch của bờ Đông và bờ Tây, dễ dàng nhận ra nhà cao tầng tập trung bên khu bờ Tây nhiều hơn. Bên bờ Đông – khu Thủ Thiêm không có nhiều nhà cao tầng, “Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì không có đủ cầu đường đi qua khu Thủ Thiêm, thiếu kết nối trực tiếp ở vùng lõi hai bờ nên không phát triển được đô thị, không thu hút được nhà đầu tư qua Thủ Thiêm. Điều đó lý giải vì sao nhà đầu tư họ thích xây ở Ba Son, Tân Cảng và Cảng Sài Gòn. Quy hoạch hiện hữu như thế này là tạo giá trị cho khu bờ Tây, giá trị của Thủ Thiêm không bằng giá trị ba khu đất này”, ông Sơn nói.

Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ Tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông. Ảnh: Thanh Hảo
Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ Tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông. Ảnh: Thanh Hảo

Theo KTS. Nam Sơn, việc thiếu các chính sách ưu đãi cao cho Thủ Thiêm để thu hút đầu tư vào bờ Đông và thả lỏng cho bờ Tây phát triển tự do, đã dẫn đến các dự án cao tầng và dự án hạ tầng xây dựng tại bờ Tây cạnh tranh gay gắt và có phần thiếu lành mạnh với các dự án cùng loại tại bờ Đông. Thiếu lành mạnh bởi trong khi bờ Tây đang quá tải về hạ tầng thì lại càng tập trung phát triển thêm nhà cao tầng với chiều cao được duyệt lên đến 50 – 80 tầng cho khu ven sông, tương đương chiều cao tối đa của toàn khu Thủ Thiêm.

Sự mất cân đối này làm gia tăng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, để sau đó ngân sách buộc phải rót thêm vốn cho việc nâng cấp tiếp hạ tầng. Điều này còn làm cho tính cạnh tranh của bờ Đông thua sút hẳn so với bờ Tây, trong khi phải đối phó với gánh nợ trả lãi khoảng gần 4 tỷ đồng một ngày (*). Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản.

KTS. Nam Sơn nhận xét, quy hoạch hiện hữu đã không giữ được giá trị của khu vực có những đặc tính của khu trung tâm lịch sử. Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ Tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông.

Quy hoạch cao tầng của hai bên bờ sông thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu khoa học. Hình phối cảnh cho thấy trọng tâm nhà cao tầng của toàn khu đặt ở bờ Tây, đặc biệt khu ven sông. Trong khi hầu hết công trình khu trung tâm tài chính hiện đại xây ở khu đất trống 650ha bên kia sông của bờ Đông lại thấp tầng và mờ nhạt.

Cho dù Thủ Thiêm đất thấp và yếu, nhưng vì đất sạch nên rất dễ xây mới hạ tầng hiện đại, và đó lại càng là lý do để xây cao hơn, vì như thế có thể làm móng sâu đến lớp đất cứng phía dưới cho hiệu quả kinh tế xây dựng hơn nhiều (*).

Nên bảo tồn khu trung tâm hiện hữu của Sài Gòn

KTS. Nam Sơn cho biết, quy hoạch khu trung tâm bờ Tây chưa tạo được hiệu quả trong việc bảo vệ các giá trị di sản và thiên nhiên của một Sài Gòn có lịch sử hơn 300 năm, một sự đánh đổi quá lớn để dọn đường cho các phát triển mới, trong khi vẫn có thể thực hiện những giải pháp dung hòa việc đáp ứng cho cả hai nhu cầu bảo tồn và phát triển.

Nhà cao tầng ven sông nếu xây dựng quá dày đặc, sẽ tạo thành một bức tường chắn gió khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: TL
Nhà cao tầng ven sông nếu xây dựng quá dày đặc, sẽ tạo thành một bức tường chắn gió khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: TL

Rất nhiều công trình di sản đã bị đập bỏ để xây nhà cao tầng tại khu trung tâm bờ Tây, trong khi bờ Đông chưa thu hút được các dự án đầu tư cao tầng quan trọng, dù cho đất sạch và vị trí lý tưởng. Nhiều cây xanh, bao gồm trên 300 cây cổ thụ tại đường Tôn Đức Thắng, đã và sẽ bị chặt hạ, để dành chỗ cho việc xây dựng hạ tầng.

Trong quá trình nghiên cứu và phê duyệt dự án cầu, người ta đã bỏ qua việc xem xét nguy cơ phải chặt cây cho đến khi dự án phê duyệt xong và chuẩn bị thực hiện thì mới thông báo. Thật ra, chỉ cần dịch chuyển vị trí cầu sang trục Nguyễn Bỉnh Khiêm như nhiều bản quy hoạch kết nối với Thủ Thiêm trước đó, là có thể giữ lại toàn bộ các cây cổ thụ này (*).

“Theo tôi, nên bảo tồn khu trung tâm hiện hữu, có thể cải tạo nâng tầm nhưng cũng cao vừa vừa thôi. Làm sao kết nối tốt với khu trung tâm tài chính tương lai ở bờ Đông, để trong quy hoạch sắp tới những nhà cao tầng dự định triển khai ở bờ Tây sẽ thu hút về đây. Chiều cao khi đó có thể gấp hai, gấp ba. Nhà đầu tư vẫn kiếm được giá trị tương xứng với đầu tư và TP.HCM vẫn bảo vệ được di sản ở khu vực trung tâm.

Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, tôi ủng hộ chuyện đó nhưng trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản”, ông Sơn nói.

Ba Son là cơ hội cuối cùng để gia tăng diện tích cây xanh cho khu trung tâm bờ Tây. Ảnh: TL
Ba Son là cơ hội cuối cùng để gia tăng diện tích cây xanh cho khu trung tâm bờ Tây. Ảnh: TL

Theo KTS. Nam Sơn, chiến lược bảo tồn và phát triển của đô thị TP.HCM phải làm sao cân bằng được các lợi ích, để mọi người đều có lợi. Làm sao bảo tồn và xây mới phải khả thi về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, lịch sử… chứ không phải bảo tồn rồi để đó ngắm hay xây mới mà tàn phá hết những giá trị di sản, lịch sử của Sài Gòn…

Phát triển nhà cao tầng phải đi cùng hệ thống giao thông công cộng thì mới đem lại sự phát triển tốt cho TP.HCM. Mọi kế hoạch bảo tồn hay phát triển phải cung cấp hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Cần khoanh vùng và xác định được các khu vực có bản sắc đặc thù, để có hướng dẫn tương ứng về thiết kế đô thị và quản lý đô thị đối với công tác bảo tồn và phát triển. Nên xác định rõ ranh giới và có chính sách với những quy định riêng để gia tăng giá trị bản sắc đô thị. Xây dựng được nhiều khu vực mà mỗi khu vực có đặc trưng cho một thời kỳ phát triển khác nhau, mang dấu ấn bản sắc của thời kỳ đó.

Tư duy và thực hiện quy hoạch khu trung tâm hai bờ Đông – Tây phải như một tổng thể thống nhất, được nghiên cứu, phê duyệt cùng lúc. Xây được kết nối tốt giữa khu lõi bờ Đông và bờ Tây.

Các nhà cao tầng ven sông không được xây quá dày đặc, tạo thành một bức tường chắn gió mà phải chừa lại những không gian mở để gió mát từ sông có thể đưa vào sâu trong đất liền.

Hiện TP.HCM đã xài hết đất bờ Tây, trong phát triển thế kỷ 21 thì phát triển chỗ nào?. Ảnh: Thanh Hảo
Hiện TP.HCM đã xài hết đất bờ Tây, trong phát triển thế kỷ 21 thì phát triển chỗ nào?. Ảnh: Thanh Hảo

Ba Son là cơ hội cuối cùng để gia tăng diện tích cây xanh cho khu trung tâm bờ Tây, nơi có tỷ lệ diện tích cây xanh tính trên đầu người thấp nhất trên cả nước. Trong khi khu vực Tân Cảng và Cảng Sài Gòn cũ có thể xây dựng nhà cao tầng, một phần lớn khu vực Ba Son không nên dành cho nhà cao tầng, mà nên dành cho không gian xanh kết nối liên hoàn với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, với các công trình công cộng, văn hóa, và bảo tồn, bảo tàng phục vụ cho nhu cầu không gian xanh và không gian công cộng hiện đang quá ít ỏi tại khu trung tâm bờ Tây.

Khi đó, nhà đầu tư khu vực Ba Son có thể sẽ sẵn lòng đánh đổi vị trí ở Ba Son để xây dựng cụm nhà cao tầng tại một vị trí mới ở Thủ Thiêm bên kia sông của đường Hàm Nghi, nếu cây cầu ở đường này được lên kế hoạch xây dựng nhanh trong thời gian tới (*).

“Cần mạnh dạn đổi mới tư duy và bước đầu tiên là phải xác định lại những nguyên tắc quy hoạch mang tính chiến lược cho phát triển của thành phố, trước khi nói đến việc tổ chức quy hoạch lại cho khu trung tâm TP.HCM một cách bền vững hơn, nghĩa là đạt được những thành tựu tương xứng và cao hơn, nhưng với cái giá phải trả thấp hơn nhiều, đặc biệt không phải chấp nhận đánh đổi cái mới với tổn thất to lớn hơn là mất đi những giá trị di sản trên 300 năm mà thành phố đã đạt được…

Trong mọi chuyện chính quyền thành phố phải dành chỗ cho tương lai phát triển. Hiện TP.HCM đã xài hết đất bờ Tây, trong phát triển thế kỷ 21 thì phát triển chỗ nào đây? Quản lý phải có cái nhìn xa, nếu không những quyết định sai ngày hôm nay sẽ đóng cửa tương lai”, ông Sơn nói.

(Theo Kienviet.net)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *