Việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng, sản xuất vật liệu xây không nung góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng và tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong khuôn khổ triển lãm Vietbuild Hà Nội 2016 lần thứ nhất, ngày 25/3, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo “Vật liệu xây không nung – vật liệu xanh cho công trình xanh”, nhằm đẩy nhanh tiến trình và hiệu quả thực hiện chương trình phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng Việt Nam.
Theo ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ từng bước làm chủ thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Đồng thời phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế và vật hiệu có sử dụng công nghệ nano… nhằm giảm phát thải nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng, sản xuất vật liệu xây không nung góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng và tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất sét; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lỏ thủ công, thủ công cải tiến.
Vụ trưởng Lê Trung Thành cũng cho biết, trong năm qua, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng 3 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo đến năm 2020 với kinh phí 150 tỷ đồng; phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 20120 kinh phí 300 tỷ đồng; nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng phế thải tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác đến năm 2018 với kinh phí 268 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng khẳng định, việc sử dụng vật liệu gạch xây không nung thay thế gạch nung truyền thống là xu thế hiện đại, có thể hạn chế việc sử dụng khoáng sản, hủy hoại đất đai và phát thải ra môi trường.
Vật liệu xây không nung trên thế giới đã sử dụng hàng trăm năm nay, trong khi ở Việt Nam đã sản xuất được nhưng phần lớn là xuất khẩu, do nhiều địa phương còn thờ ơ với loại vật liệu này.
Trong khi đó, theo Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình.
Tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15/1/2013; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều địa phương cũng như nhiều chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu hay người tiêu dùng vẫn có tâm lý dùng gạch truyền thống nên chưa thực sự quan tâm đến loại vật liệu không nung này.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2015 cả nước sử dụng khoảng 22,85 tỷ viên quy tiêu chuẩn; trong đó 17,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn là gạch đất sét nung (bằng 97% so với năm 2014) và 5,33 tỷ viên quy tiêu chuẩn là vật liệu xây không nung (bằng 113% so với năm 2014).
Hiện nay, vật liệu xây không nung đã chiếm 23% trong tổng số vật liệu xây nói chung, cơ bản đã đạt về tỷ lệ chung từ 20 đến 25% vào năm 2015 và từ 35 đến 40% vào năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020